Tăng cường kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ

VHO- Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc, trong đó có 25 trẻ em là nạn nhân (16 trẻ bị tử vong, 9 trẻ bị thương). Đến lúc này, nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh mới “tá hỏa” chạy đi mua vật dụng thoát hiểm, tìm hiểu cách cứu nạn...

Tăng cường kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ - Anh 1

Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại Khoa bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Sau vụ hỏa hoạn, các chuyên gia đã đặt vấn đề về phổ biến kiến thức, kỹ năng sinh tồn khi xảy ra cháy nổ, và một trong những biện pháp quan trọng đó là cần tăng cường nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa tối đa TNTT ở trẻ em.

Gia đình ít quan tâm khiến trẻ dễ bị TNTT

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em luôn tiềm ẩn nguy cơ cướp đi sinh mạng và khiến nhiều trẻ phải mang di chứng suốt đời. Mặc dù các biện pháp phòng, chống TNTT cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng con số trẻ nhập viện vẫn chưa hề giảm xuống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ, nhưng phần lớn và sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ và thiếu hiểu biết xử lý trong vấn đề phòng, ngừa dẫn đến khi trẻ bị tai nạn.

Theo số liệu thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), TNTT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta. Trong đó, phần lớn là do đuối nước, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã, bỏng, súc vật cắn hoặc bị thương bởi các vật sắc nhọn… Trung bình mỗi năm, nước ta có gần 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Thời gian gần đây, có những vụ trẻ em bị rơi từ trên tầng cao xuống đất qua ban công, logia hay những thương tích không chủ ý từ các vật dụng trong nhà là hồi chuông cảnh báo để các bậc cha mẹ cần xem xét lại và có những biện pháp cụ thể trong việc phòng, chống TNTT cho con em mình.

Tại phiên họp giả định “‘Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất năm 2023, các đại biểu đã nêu thực trạng TNTT và bạo lực xâm hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần cho các em. Đây đang là vấn đề nhức nhối được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Đến nay, các bậc cha mẹ cũng đã hiểu, lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc, trang bị kỹ năng cho con. Các cơ sở giáo dục chú trọng hơn đến công tác giáo dục kỹ năng để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân và có một môi trường sống an toàn. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị TNTT, đại biểu trẻ em nhấn mạnh, có nhiều lý do chủ quan và khách quan, nhưng sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ và gia đình ít quan tâm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNTT ở trẻ.

Tăng cường kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ - Anh 2

 Tập huấn về kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ tại “Ngày hội thế giới tuổi thơ” lần thứ 23 do Bộ VHTTDL tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

Dạy con tự bảo vệ bản thân, phòng tránh nguy hiểm

Nhiều chuyên gia, bác sĩ đề cập tới vai trò của cha mẹ trong việc dạy con kỹ năng thoát hiểm ngay khi phát hiện thấy khói, tia lửa, mùi khét; cách sử dụng chuông báo cháy; nhận biết các vật liệu, đồ dùng dễ có nguy cơ cháy nổ như bật lửa, bếp gas, công tắc, ổ điện, dây điện, nến, diêm; không được chơi ở nơi nguy hiểm; không sử dụng tay ướt chạm vào thiết bị điện, tránh xa các thiết bị điện khi đang tắm, rửa tay…; dạy trẻ cách ghi nhớ và hiểu các chỉ dẫn thoát hiểm khi có cháy nổ. Nếu gia đình ở chung cư, hãy dạy trẻ di chuyển từ cửa căn hộ theo hành lang đến cầu thang bộ gần nhất (có chữ exit - lối thoát). Ngay khi phát hiện cháy nổ, cần nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà, có thể dùng búa, vật nặng để loại bỏ khung sắt. Nếu xác định vượt qua lửa thì cần trùm chăn hoặc vải ướt lên người, tránh lửa bén vào quần áo gây bỏng…

Trong trường hợp đám cháy xảy ra ngay lối thoát hiểm duy nhất, phụ huynh cần dạy trẻ bình tĩnh giữ an toàn cho mình càng lâu càng tốt để kéo dài thời gian cho tới khi có người đến cứu. Việc làm đầu tiên là thấm ướt khăn, mền rồi che kín mặt, mũi, sau đó hạ thấp người để hạn chế hít phải khí độc, tránh xa những không gian chật hẹp, kín. Tốt nhất mỗi gia đình nên trang bị mặt nạ chống độc để có thể duy trì hô hấp trong lúc đợi nhân viên cứu hộ. Điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh, không hoảng loạn. Trong vụ cháy vừa qua, có gia đình đã thoát nạn nhờ trang bị thang dây hay nhúng nước vào chăn chặn các lối cửa ngăn khói bay vào và được lực lượng chức năng giải cứu an toàn.

TNTT ở trẻ có thể xảy ra ở rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị TNTT, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 (36,9%) và thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 (19,5%). Trung bình cứ 100.000 trẻ thì có 24 em tử vong do TNTT. Các tình huống thường gặp TNTT ở trẻ gồm: Bị bỏng, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn... Nguyên nhân là ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm, chưa thể lường hết được những nguy hiểm từ việc mình làm; các em hầu như chưa có đủ hoặc hoàn toàn chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ dẫn đến TNTT. Vì vậy, để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ TNTT, phải bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của mỗi người lớn, phải chủ động ngăn chặn những nguy cơ trên, đặc biệt là dạy cho con các kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm yêu thương của người lớn dành cho trẻ em. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân hãy cùng nâng cao ý thức, chung tay xây dựng cho các em có được môi trường sống thực sự an toàn, ấm áp và hạnh phúc. 

 

 Khuyến nghị các biện pháp phòng, chống TNTT cho trẻ em

Văn bản số 3769/CV-UBQGVTE yêu cầu quan tâm, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em đã được Ủy ban quốc gia về trẻ em gửi tới các Bộ: Xây dựng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, VHTTDL, Thông tin và Truyền thông; cơ quan Trung ương của các đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban quốc gia về trẻ em đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là ngăn ngừa các nguy cơ TNTT do cháy, nổ, đuối nước, giao thông, cụ thể:

Thứ nhất, triển khai hiệu quả Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19.7.2021 và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống TNTT trẻ em. Xây dựng và phân bổ nguồn lực, thực hiện nghiêm các giải pháp, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tạo lập môi trường sống an toàn, giảm thiểu TNTT trẻ em tại địa phương.

Thứ hai, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm về phòng ngừa TNTT, đặc biệt TNTT trẻ em do cháy, nổ, đuối nước, giao thông. Rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Thứ ba, tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, gia đình, cộng đồng dân cư về tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa TNTT trẻ em. Biểu dương, nhân rộng những tấm gương, điển hình, cá nhân, tổ chức, cơ quan, chính quyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống TNTT trẻ em.

Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống TNTT trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo, sửa chữa các công trình, vị trí có nguy cơ gây TNTT cho trẻ em.

Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra, thanh tra về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, cá nhân đối với việc xây dựng môi trường sống an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em trong Báo cáo kết quả công tác trẻ em năm 2023, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về trẻ em.

ĐÀO ANH

 

 THÚY HIỀN

 

Ý kiến bạn đọc